22 Tháng Tám, 2018 Vải Thiều

Vải Thiều

 Vải Thiều

 Tổng quan về Vải Thiều

– Vải (Vải Thiều) còn gọi là Lệ Chi, được trồng nhiều ở Việt Nam, quả Vải thu hoạch vào tháng 5-6 hàng năm. Vải được dùng ăn tươi hay chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như: Vải Thiều sấy khô, Vải Thiều đóng hộp,  Vải purê đông lạnh, Rượu vang Vải Thiều… Những sản phẩm này đã đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

– Phần áo hạt Vải thường gọi là Cùi Vải, thành phần chủ yếu là đường, ngoài ra có vitamin A, B, C. Vitamin A và vitamin B chỉ có trong múi Vải tươi. Múi vải cũng là một vị thuốc trong Đông y, vị ngọt chua, tính bình. Hạt Vải (Lệ Chi hạch) thái mỏng phơi hay sấy khô được dùng làm thuốc.

– Vải có tác dụng bổ dưỡng đối với các tổ chức đại não, cải thiện các chứng mất ngủ, hay quên, chữa tiêu chảy, viêm miệng, mụn nhọt, đau răng, làm đẹp da……

– Vải Thiều là giống quả bé nhất trong các giống Vải hiện nay, đường kính khoảng 3,3 – 3,5 cm; vỏ sần, chín đỏ; hạt nhỏ, đen tuyền hoặc lép. Giống quả ngon được thị trường ưa chuộng nhất vẫn là Vải Thiều trồng ở Thanh Hà, Chí Linh (Hải Dương); Đông Triều (Quảng Ninh); Lục Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang).

– Hiện còn có các giống Vải khác như u trứng, u hồng, u thâm có kích thước lớn, quả hơi bầu dục. Vải Tàu Lai và Lãng Xuyên có quả nhỏ hơn, dạng tròn. Các giống này thường chín sớm hơn, dân gian gọi là Vải Tu Hú (chim Tu Hú kêu báo hiệu mùa Vải chín), nhưng hạt to, vị chua hơn.

– Hải Dương có 14.250 ha trồng vải nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Thanh Hà (47%) và Chí Linh (43%). Hiện nay vùng trồng Vải Thiều lớn nhất cả nước tại tỉnh Bắc Giang mà thủ phủ là Lục Ngạn, với diện tích khoảng 30.000 ha, đạt sản lượng hàng năm khoảng 150.000 tấn.

– Trung Quốc là thị trường tiêu thụ Vải mạnh từ xa xưa, đến nay vẫn chiếm tới 40-60% sản lượng Vải Thiều Lục Ngạn xuất khẩu. Để đáp ứng thị trường quốc tế khó tính, nhiều vùng trồng Vải tại Bắc Giang, Hải Dương đã chuyển đổi mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP. Bắc Giang hiện có 12.800 ha vải VietGAP và 285 ha vải GlobalGAP được xây dựng chỉ dẫn địa lý với thị trường Mỹ.

– Năm 2017, Vải Thiều tiếp tục được xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản và phát triển thêm thị trường Dubai, Hà Lan, Thái Lan. Hiện nay, Vải Thiều của Bắc Giang được xuất khẩu vào hơn 30 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra Vải Thiều Lục Ngạn còn có mặt tại hệ thống siêu thị như Big C, Hapro để phục vụ thị trường trong nước.

 Truyền thuyết về Vải Thiều

– Theo ghi chép trong Nam Phương Thảo Mộc Trạng, năm 111 trước công nguyên, Hán Vũ Đế (Trung Quốc) đã sai đem 100 cây vải từ Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam) về trồng. Song không cây nào còn sống sót, từ đó, vua Hán bắt Giao Chỉ hàng năm phải cống nạp Vải (Lệ chi).

– Dương Quý Phi đời Đường thích ăn Vải đến nỗi ưu ái đặt tên cho Vải là “Phi Tử Tiếu”, tức “Nụ cười Dương Phi”. Đường Huyền Tông muốn chiều lòng ái phi, nên thường xuyên bắt cống nạp vải, sai phu trạ phi ngựa hỏa tốc để vận chuyển. Quả vải được ướp mật hoặc muối để tươi ngon suốt chặng đường dài.

– Đến thế kỷ thứ 8 – đời vua Mai Hắc Đế, cây vải được chuyển ra trồng ở vùng Hồng Châu (Hải Dương). Vùng Thanh Hà với thổ nhưỡng được bồi đắp bởi dòng sông Hồng và sông Thái Bình, hay lụt lội nhưng phù sa giàu có, trồng vải cho quả ngọt và năng suất cao.

– Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn cũng ca ngợi quả vải “mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh” và “nước Nam sản xuất trái lệ chi nhiều nhất, lệ chi ở xã An Nhơn (Yên Nhân) huyện Đường Hào ngon, ngọt, thơm không thể nào tả được”.

– Năm 1442, cây vải còn gắn liền với án oan Lệ Chi Viên lớn nhất trong lịch sử của công thần lập quốc nhà Lê – quan hành khiển Nguyễn Trãi. Ông bị triều đình quy tội giết vua Lê Thái Tông trong vườn Vải, bắt tội đến 3 họ. Đến năm 1464 – triều Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi mới được minh oan.

 Tác dụng của Vải Thiều

– Bổ sung năng lượng, ích trí bổ não: Trong Cùi Vải chứa 66% đường glucose, 5% đường saccharose, chứa tổng đường trên 70%, đứng hàng đầu của cây ăn trái, có tác dụng bổ sung năng lượng, gia tăng dinh dưỡng. Vải có tác dụng bổ dưỡng đối với các tổ chức đại não, cải thiện các chứng mất ngủ; hay quên; tinh thần ủ rũ…

– Tăng cường chức năng miễn dịch: Cùi Vảii chứa nhiều vitamin C và protid, giúp ích tăng cường chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Từ xưa đến nay được xem là món ăn tẩm bổ.

– Giải độc tiêu thũng, chỉ huyết chỉ thống: Vải được nhiều người biết đến tác dụng bồi bổ ra, còn có thể dùng cho các bệnh ngoại khoa như khối u, lao hạch, đinh nhọt, chấn thương chảy máu…

– Chỉ ách nghịch, chỉ phúc tả (giảm trào ngược, cầm tiêu chảy): Vải có tính ấm bồi bổ hệ tiêu hóa, còn có thể giảm trào ngược, là món ăn thực dưỡng tốt cho người bệnh bị nôn oẹ mang tính trào ngược ngoan cố và tiêu chảy giấc sáng.

–  Ngăn ngừa quá trình phát triển của các tế bào ung thư: Theo hai nghiên cứu của các chuyên gia ở Đại học Zhejiang Gon Shang và Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho thấy: Trong quả vải thiều chứa chất flavonoid có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Ngoài flavonoid, trong quả vải còn chứa các loại vitamin C, đây là nguồn dưỡng chất mà cơ thể không thể sản xuất được, có tác dụng giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh ung thư, tim mạch. Ngoài ra nó còn tốt cho xương, da và các mô cơ thể giúp ngăn ngừa các chứng bệnh như cảm lạnh, sốt, viêm họng, giảm đau.

– Giúp máu tuần hoàn: Cùi Vải có chứa nhiều hợp chất hữu ích giúp máu tuần hoàn. Trong phương pháp chữa bệnh cổ truyền của người Trung Quốc có đề cập, nếu ăn Vải thường xuyên sẽ giúp máu tuần hoàn tốt, lợi tỳ, tốt cho người bệnh mới ốm dậy, suy nhược. Cùi Vải khô là thuốc bổ nguyên khí có lợi cho sức khỏe phụ nữ và nhóm người cao niên. Theo nghiên cứu thì vải có tác dụng hạn chế tắc nghẽn mạch máu, phá hủy tế bào và giảm nguy cơ đột quỵ hơn 50%.

– Vải Thiều chăm sóc sắc đẹp: Lợi ích kỳ diệu của trái Vải có được bởi giá trị dinh dưỡng phong phú của nó. Vải rất giàu vitamin C, chứa khoảng 72mg Vitamin C trên 100mg vải. Trái Vải cũng giàu đồng, phốt pho, và có hàm lượng sodium thấp. Nó còn cung cấp các hợp chất vitamin B và là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời. Loại polyphenol có tên là Oligonol có đặc tính chống oxy hóa và kháng virus.

Vải giàu các chất thân thiện với làn da như thiamin, niacin và đồng. Thiamin hỗ trợ cơ thể trao đổi chất béo và protein giúp da khỏe mạnh. Niacin thúc đẩy mức độ hydrat trên da trong khi đồng, với liều lượng rất nhỏ giúp đẩy nhanh việc hồi phục làn da bị tổn thương.

Vải với các dưỡng chất vitamin C, niacin và thiamin có lợi cho sức khỏe mái tóc của bạn.

– Vải Thiều giúp giảm cân, chống lão hóa: Trái Vải chứa hàm lượng chất chống oxy hóa như vitamin C, hợp chất của vitamin B và flavonoid cao. Những chất chống oxy hóa này bảo vệ cơ thể khỏi stress gây ra bởi ô nhiễm và tia UV. Các gốc tự do được tạo ra từ các phân tử bị oxy hóa và chúng đảo ngược chức năng của tế bào để tạo thành tế bào ung thư. Các chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do này, do đó bảo vệ tế bào da khỏi bị tổn thương. Bằng cách này, quả Vải có thể bảo vệ chúng ta khỏi bệnh ung thư da hay viêm nhiễm.

Oligonol là một loại polyphenol trọng lượng phân tử thấp dồi dào trong trái Vải. Oligonol có các đặc tính chống oxy hóa và chống virus cúm. Nó cũng giúp cải thiện lưu thông máu, giảm cân và bảo vệ làn da khỏi tia UVA có hại. Oligonol làm giảm mỡ sâu, tăng cường lưu thông máu cạnh sườn, giảm mệt mỏi sau tập luyện, tăng cường sức chịu đựng cũng như giảm nếp nhăn và tàn nhang trên khuôn mặt.

Quả vải có hàm lượng calorie thấp, không chứa chất béo bão hòa hay cholesterol và giàu chất xơ, rất cần thiết đối với ai đang muốn giảm cân.

– Vải Thiều giảm nếp nhăn, chống nám da: Vải giúp nuôi dưỡng làn da, giảm sự phát triển của mụn. Trái vải cũng giúp da mịn màng hơn. Vải là nguồn cung vitamin C tuyệt vời và các dưỡng chất khác cần thiết cho làn da của bạn

 Cách chọn mua Vải Thiều tươi ngon, an toàn

Quan sát bề ngoài:  Muốn chọn mua được những quả Vải Thiều tươi ngon thì khi chọn mua, bạn nên chọn những chùm Vải còn tươi, có phần cành dính vào quả và lá vẫn còn xanh tươi. Không nên chọn mua những chùm Vải có cành bị khô, héo, dễ gãy hay lá đã khô, không còn tươi.

Màu sắc của Vải Thiều: Vải Thiều tươi ngon, an toàn có lớp vỏ màu đỏ hồng, trên vỏ không có đốm đen cũng như khi cầm tay bóp nhẹ thì sẽ thấy quả vải căng mọng, không bị bầm dập. Bề mặt lớp vỏ Vải Thiều ngon thường nhẵn, ít sần sùi và có màu tươi.

Dựa vào hương vị: Vải Thiều ngon có hạt rất dễ tách ra khỏi phần thịt vải, còn nếu như hạt vải còn dính chặt vào thịt vải thì đó là quả vải chưa được chín, ăn sẽ không ngon, ngọt như mong muốn.

Khi mua vải thiều thì bạn nên ăn thử vài quả để kiểm tra độ ngọt, độ chín và độ ngon của Vải Thiều. Một quả Vải Thiều ngon sẽ có phần cùi nhiều nước, vải có mùi thơm đặc trưng, thịt vải có màu trắng và khá dày.

Nếu như phần cùi thịt quả Vải có màu vàng ố, nước vải có mùi chua hoặc thịt quả vải bị biến sắc… thì quả vải đó đã bị hỏng, chất lượng kém sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Cách bảo quản Vải Thiều luôn tươi ngon

– Vải Thiều sau khi đã chọn mua được những quả tươi ngon nhất thì cần được bảo quản đúng cách mới đảm bảo dinh dưỡng của loại trái cây này không bị mất đi.

– Cần rửa sạch toàn bộ số Vải đã mua, loại bỏ độc tố, chất bẩn bám trên lớp vỏ cũng như loại bỏ những quả Vải bị hư hỏng, chảy nước để bảo quản chúng tốt hơn.

– Có thể cho phần Vải Thiều đã rửa sạch vào một túi nilon rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản và ăn dần mỗi ngày. Hoặc  cũng có thể bảo quản Vải Thiều ở những nơi thoáng mát tránh ẩm mốc, ướt… nhưng không nên bảo quản quá lâu sẽ làm Vải bị hư hỏng, mất dinh dưỡng.

 Các đơn thuốc trị bệnh từ quả Vải

Chữa nấc:  Vải cả quả đốt thành than, tán bột, hòa với nước nóng uống.

Chữa đau răng: Vải cả quả thêm ít muối, đốt thành than, nghiền nhỏ, xát vào chỗ răng đau.

Chữa tinh hoàn sưng đau: Hạt Vải đốt thành than, nghiền nhỏ, hòa với rượu cho uống ngày 4-6 gam. Hoặc: Hạt Vải, Trần Bì, Hồi Hương 3 vị bằng nhau, tán nhỏ, ngày uống 4-6 gam.

–  Chữa đau bụng: Vải là loại quả chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng rất tốt cho hệ thống tiêu hóa, hạn chế nguy cơ mắc bệnh táo bón, tiêu chảy. Ngoài ra có thể dùng hạt Vải đốt (không cháy thành than) sau đó nghiền pha vào rượu uống (6gam/ngày) hoặc dùng vỏ quả Vải, Ô mai, Ổi, mỗi loại 10 gam sắc uống sẽ có tác dụng chữa tiêu chảy.

Giảm đau: Để giảm đau người ta dùng hạt quả Vải to, bổ đôi, đồ qua nước sôi rồi phơi khô, có tác dụng giảm đau, sưng tinh hoàn, hệ thống thần kinh, dạ dầy, thoát vị bẹn, giảm sưng các tuyến trong cơ thể, lều dùng mỗi ngày 3-6 gam dưới dạng thuốc sắc.

 Các món ăn bài thuốc từ Vải

Chè Vải – Táo đen

Vải tươi 100g, Táo đen 10 quả, đường trắng một ít. Vải bỏ hạt, cắt nhỏ, Táo đen rửa sạch, trước tiên cho táo vào nồi, sau khi dùng nước nấu ra, cho vào vải; đường trắng, chờ đường tan, múc vào chén. Món chè công hiệu dưỡng huyết (bổ máu), giữ nhan sắc, kiện tỳ dưỡng tâm (bồi bổ tiêu hóa và nuôi dưỡng tim), an thần ích trí (ngủ ngon, trí nhớ tốt). Thích hợp dùng cho người bệnh suy nhược cơ thể, sắc mặt vàng bủng, mất ngủ hay quên. Cũng có thể thường dùng cho phụ nữ sản hậu thiếu máu, người bị thiếu máu.

Cháo Vải – Hạt Sen

Vải khô 7 quả, hạt sen (bỏ tim) 5 quả, gạo 60g. Trước tiên vải khô lột bỏ vỏ ngoài, hạt sen rửa sạch, cùng gạo vào nồi nấu thành cháo. Món cháo công hiệu bồi bổ tiêu hóa cầm tiêu chảy. Đối với người bị tiêu chảy do suy chức năng tiêu hóa lâu ngày; người cao tuổi thận suy tiêu chảy giấc sáng, thường dùng có hiệu quả.

Canh Vải – Phổ Tai

Vải khô 7 quả, Phổ Tai (Hải Đới) 30g, rượu gạo một ít. Vải khô lột bỏ vỏ ngoài, Phổ Tai sau khi ngâm nở rửa sạch, cắt lát; cho nước vào nồi, thêm vào Vải khô; Phổ Tai lát, sau khi nấu sôi chuyển qua lửa nhỏ hầm Phổ Tai đến mềm, thêm vào một ít rượu gạo, nấu sôi thì dùng. Món canh công hiệu nhuyễn kiên tán kết (làm mềm, hóa giải sự kết tụ).

Sirup Vải

Vải 1 kg, mật ong lượng vừa. Cùi Vải tươi ép ra dạng tương, cho vào nồi, thêm vào mật ong trộn đều, sau khi nấu chín cho vào trong lọ, đậy kín để hơn 1 tháng, để dạng tương kết thành cao thơm, cho vào tủ lạnh để bảo quản. Món sirup này công hiệu ích khí dưỡng âm (bồi bổ âm dương), thông thần kiện não (sảng khoái). Thích hợp dùng trong các chứng bệnh như thiếu máu, hồi hộp, mất ngủ, miệng khát, khí suyễn (khó thở), ho, chán ăn, tiêu hóa kém, suy nhược thần kinh, táo bón. Người bình thường dùng còn trợ giúp thông minh, làn da sáng đẹp, sống lâu. Vải mang tính ấm nhiều, không nên ăn nhiều trong một lúc.

 Đối tượng sử dụng

– Theo nghiên cứu, Vải Thiều có hàm lượng đường cao, giàu acid hữu cơ, các muối khoáng Ca, Fe, P, các vitamin B1, B2… sách thuốc cổ có ghi: “Thường xuyên ăn Vải sẽ bổ não, ích trí, khai vị, lợi tỳ, rất tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, gầy yếu; dưỡng da làm đẹp nhan sắc, chữa được nhiều bệnh…”; Vì vậy, loại quả này còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trong Cùi Vải có nhiều đường glucoza, nếu ăn nhiều một lượng lớn Vải tươi một lúc có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan. Khi lượng đường glucoza tăng đột biết, cơ thể phản ứng, tiết insulline tăng lên để làm hạ nồng độ đường trong máu xuống, gây phản ứng đường máu thấp còn gọi là triệu trứng “say vải”. Biểu hiện thường gặp là váng đầu, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh, nóng trong người khiến nổi nhiều mụn…

– Do đó, các chuyên gia y tế khuyên một số đối tượng người tiêu dùng không nên ăn nhiều Vải Thiều:

+ Vải thiều không phải là hoa quả được khuyến khích cho người bệnh tiểu đường.

+ Người máu nóng, nhiệt miệng…

+ Ngoài ra, những người có các bệnh dễ nhiễm cảm, người đang mắc bệnh có đờm, người đang bị thủy đậu, mụn nhọt, rôm sảy, chắp lẹo mắt … cũng nên hạn chế việc ăn vải thiều.

+ Thai phụ từng mắc chứng tiểu đường, thừa cân

+ Trẻ em, hệ tiêu hóa còn yếu, dó đó bạn cần cho bé ăn một lượng vừa phải, không nên chiều con mà để bé ăn quá nhiều khiến bé bị bệnh. Mỗi lần chỉ nên cho bé ăn khoảng 100g vải tươi (khoảng 5 – 6 quả).

 Lưu ý: Có người sau khi ăn quả Vải bị nôn nao, nổi mề đay, đau bụng, nôn mửa… Các triệu chứng đó không phải do Vải mà do một loại nấm sống ở những núm quả vải bị dập nát, úng thối gây ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!